HOTLINE: 090.547.7979 - 054.389.8868

Home Di sản văn hóa [Lăng tẩm] Lăng Dục Đức (An lăng)
[Lăng tẩm] Lăng Dục Đức (An lăng)

Sau khi vua Tự Ðức băng hà, triều thần đã đưa Ưng Chân lên ngai vàng vào ngày 19/7/1883, y theo di chiếu truyền ngôi của vua Tự Ðức. Chưa kịp đặt niên hiệu, vị vua trẻ được gọi tên dựa theo tư thất của mình là Dục Ðức Ðường.

Nhưng chỉ ba ngày sau, vua Dục Ðức đã bị truất phế vì tội dám lược bỏ một đoạn văn trong di chiếu truyền ngôi của tiên đế và bị tống ngục. Ngày24/10/1883, ông vua bất hạnh này chết đói trong nhà ngục. Tương truyền thi hài của ông được gói vào trong một chiếc chiếu giao cho hai tên lính và một viên quyền Suất đội gánh đi chôn. Thi hài của ông dự định đưa về an táng tại địa phận chùa Tường Quang (chùa do một người thân bên vợ vua Tự Ðức lập năm 1871). Gần đến nơi thì thi hài bị bung ra và rớt xuống giữa đường do đứt dây, một người lính đã chạy vào chùa Tường Quang mời nhà sư trụ trì ra giải quyết. Cuối cùng, mọi người nhất trí chọn mảnh đất  thiên táng   này làm nơi yên nghỉ của vua Dục Ðức. Ba ngày sau vợ con nhà vua Dục Ðức mới được thông báo để làm lễ tang. Sáu năm sau, do một hoàn cảnh bất ngờ, con trai của Dục Ðức là Bửu Lân lại được đưa lên làm vua đặt niên hiệu là Thành Thái (1889-1907) và bắt đầu cho xây dựng lăng mộ của vua cha trên nấm mồ  thiên táng. Lăng được xây dựng vào đầu năm 1890, đặt tên là An Lăng. Ðến năm 1899, nhà vua cho xây dựng điện Long Ân và các công trình khác.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Ðức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn, khu lăng mộ có hình chữ nhật, có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi Ðình và tượng đá như các lăng vua khác.
Ðiện Long Ân ở trung tâm khu vực tẩm là một công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện có ở Huế. Bên trong hiện có ba án thờ bài vị của các vua Dục Ðức và vợ, Thành thái và Duy Tân.