HOTLINE: 090.547.7979 - 054.389.8868

Home Thông Tin
Vườn Ý Thảo

Chủ nhân Vườn Ý Thảo là những công chức trong ngành văn hoá Thừa Thiên Huế, diện tích vườn nhà khoảng 1300m2 và ra đời từ 5 thập niên trước đây. Chính giữa nhà từ cổng vào là một Giả Sơn xếp từ những tảng đá tạo thành bình phong. Hai bên là hai cụm Giả Sơn bố trí theo thế Thanh Long -Bạch Hổ biến tấu.


Cụm đá Thanh Long gắn với hồ nước, cụm đá Bạch Hổ gắn với khối cây nhỏ tượng trưng cho vạn Tùng Mai. 5 cụm Giả Sơn rãi rác trên thảm cỏ trong vườn tượng trưng cho Ngũ nhạc - năm ngọn núi danh tiếng của Phương Ðông. Toàn bộ cây trong vườn là bộ sưu tập công phu, chăm sóc di dưỡng cần mẫn của chủ nhân. Có lẽ cái quí hiếm nhất nhà Vườn Ý Thảo là 2 bộ sưu tập đặc trưng mỹ thuật của Huế:

- Bộ sưu tập trên 200 món đồ sứ men lam Huế qua các thời đại Lê - Trịnh, thời đại chúa Nguyễn ngót trên 300 năm qua. Hấp dẫn Quý khách có lẽ bởi dáng dấp của các đồ vật, bởi niên hiệu xa xưa được ghi bằng chữ Nôm (chữ cổ Việt Nam) và chữ Hán....
- Bộ sưu tập tranh gương Huế gồm tranh gương Xà Cừ, tranh chân dưng bà chúa, tranh trích tuồng, tranh tứ bình Cầm Kỳ Thi Hoạ, Bát Tiên...

Là những cổ vật quý hiếm. Giá trị bây giờ gấp ngàn lần giá trị thực xưa kia.
Ðến với Ý Thảo chắc chắn Quý khách không muốn quay gót nhanh chóng như những nơi khác, nếu Quý khách là nhà nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật thì vài ba lần lui tới Ý Thảo chưa phải là lần cuối cùng.

Đặc biệt, từ Festival Huế 2000 đến nay, vườn Ý Thảo còn là nơi đón khách đến tham quan, tổ chức những bữa ăn gia đình, những bữa tiệc  chay và mặn  mang đậm sắc  thái Huế.

Vườn Ý Thảo,số 3 đường Thạch Hãn. Điện thoại: 84.54.523018
Đọc thêm...
 
Hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm là một trong những cảnh nổi tiếng nhất của đất Kinh thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, Thành phố Huế. Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.

Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m (354 trượng 6 thước). Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ. Đảo Bồng Lai, ở phía nam hồ, chính giữa có điện Bồng Doanh, 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói Hoàng lưu li. Điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước lại có cửa Bồng Doanh, rồi cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ và một chiếc cầu cùng tên.


 

Trên đảo Phương Trượng, chính giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu li. Phía nam có cửa Bích tảo và cầu Bích tảo. Phía bắc đảo có lầu Tịnh tâm, xây mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (từ năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.

Giữa hồ Tịnh tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam, đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác, là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu.

Trên các góc của đảo Bồng Lai, Phương Trượng đều có xếp đá tạo các giả sơn. Riêng đảo Doanh Châu được tạo dáng như một hòn non bộ lớn nổi trên mặt hồ. Khắp nơi chung quanh đảo Bồng lai, Phương Trượng, đê Kim Oanh và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ. Dưới hồ chỉ trồng duy nhất loại sen trắng.

Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch xây khá cao. Ở bốn mặt trổ bốn cửa: Hạ Huân ở phía nam, Đông Hy ở phía bắc, Xuân Quang ở phía đông và Thu Nguyệt ở phía tây...

Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Nổi bật hơn cả vẫn là bài Tịnh Hồ Hạ Hứng, nằm trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh của vua Thiệu Trị. Đương thời, bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.

Từ cuối thế kỷ XIX, do thiếu điều kiện chăm sóc, các kiến trúc ở khu vực hồ Tịnh Tâm bị hư hỏng dần hoặc bị triệt giải. Năm 1946, vòng tường gạch bao quanh hồ bị phá để xây dựng một vòng tường thấp hơn. Năm 1960, trên nền điện Bồng Doanh cũ có dựng một ngôi đình bát giác nhỏ để kỷ niệm. Trong lầu tu bổ này một cây cầu bê tông đã được xây dựng để nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh...

Ngày nay, hồ Tịnh Tâm vẫn ở trong trạng thái phế tích. Tuy nhiên dự án phục hồi khu vườn Thượng Uyển có thắng cảnh thần tiên này đang được bộ Văn hóa - Thông tin và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm.

Đọc thêm...
 
Đồi Thiên An Và Hồ Thủy Tiên

Có một địa danh mà khi nhắc đến thì có nhiều người đã có thời thanh xuân ở Huế đều dấy lên trong lòng những kỷ niệm khó quên. Ðó là Thiên An - một vùng đồi hoang vắng với những bước chân dài mấy mươi năm để đi vào thơ ca, với những chiếc lá thông rơi vương kín áo tình nhân; Với những giọt nước thủy chung ở Hồ Thủy Tiên huyền thoại; Với những mối tình xanh dưới bóng thông già.

Thiên An là một vùng đồi núi nhấp nhô nằm ở phía Nam thành phố Huế, trên tuyến đường đi thăm lăng Khải Ðịnh, qua khỏi ngã ba Cầu Lim chừng 2km. Thiên An hiện ra trước mặt bạn một màu xanh của ngàn thông với lô nhô triền đồi, mái lá và con đường dốc ngoằn ngèo chạy vào ký ức.


 

Quần sơn này gồm 140 ngọn đồi gối đầu lên nhau trong một khu vực rộng khoảng 60ha. Ðường bình đồ, xê dịch từ 60m-125m, điểm cao nhất chính là ngọn đồi có đan viên Thiên An tọa lạc. Chính các đan sĩ người Pháp thuộc dòng tu khổ hạnh Bénedictine đã khai phá và đặt tên cho Thiên An. Ngày 25-1-1935 tu viện Pierre de Vire ở Pháp phái cha Wandrelle đến Việt Nam để xem xét một việc thành lập đan Viện. Cha đã chọn khu Bất động sản Vielle ở Ðà Lạt để xây dựng đan viện vào tháng 10 năm đó. Sau đó Ðức cha tu viện trưởng Fulbert Gloreces ở Pháp đã cử cha Romain Guillaume đến cai quản Ðan Viện ở Ðà Lạt, chính cha Romain là người sáng lập ra đan viện Thiên An vào 3-1940- trong quá trình mở rộng ảnh hưởng dòng Bénédictine lên phía Bắc Việt Nam. Ngày 6-10-1940 Lễ khánh thành Ðan Viện Thiên An bằng một lễ MiSa được cha Romain tổ chức và ông đã chọn Thánh tâm chúa Jêsu như là vị bảo hộ của đan viện . Dòng tu được xây dựng và đặt trên Thiên An.

Song song với việc kiến tạo đan viện, các đan sĩ sư huynh và những người giúp việc đã xúc tiến việc trồng thông, đào hồ, lập vườn, biến vùng rừng núi khô cằn này thành một vùng rừng núi trù phú. Trước 1968 lúc đông nhất tu viện có đến 80 tu sĩ, 250 đệ tử và 60 người giúp việc. Ðan viện lập được ba vườn cam ở ba thung lũng hẹp bao quanh hồ Thủy Tiên.

Những vườn cam này được mua giống từ Angerie về, lại được chăm sóc tốt nên trái lớn và rất sai.Ngày trước trên những sọt hoa trái ở chợ Ðông Ba, có những quả cam có đóng dấu T.A chính là giống cam quý từ Ðan viện Thiên An. Hai hồ nước trong Ðan Viện được các cha Romain và Cadet Phạm Quang Ðiện cho đào vào năm 1940 -1960 đã cung cấp nước cho toàn khu vực và trở thành thắng cảnh đặc biệt là hồ Thủy Tiên và huyền thoại về những giọt nước thủy chung.

Ðến thăm Thiên An bạn sẽ bắt gặp những địa danh một thời nằm sâu trong ký ức giới trẻ Huế. Ðó là đồi Ðức Mẹ rợp bóng thông già mà mỗi góc cây vẫn còn in hằn dấu "Yêu" của những đôi tình nhân xứ Huế. Ðó là dốc "Mạ ơi" quanh co khúc khuỷa. Ðó là hình ảnh đôi chân lạc lối vườn cam tìm đến lăng Ba Vành nơi mà lịch sử vẫn tàng ẩn một nghi vấn. Phải chăng đó là lăng mộ vua Quang Trung Bạn sẽ bắt gặp từng đôi trai gái khóac nhau đi dưới gốc thông già để nhặt đi tìm quả rụng như nhặt tìm kỷ niệm của thời yêu nhau. Bạn sẽ nghe chuông nhà thờ văng vẳng gọi lòng người hướng thiện tâm về với chúa dẫu cánh cửa dòng tu vẫn khép kín và bên bờ hồ Thủy Tiên xanh ngắt là những vũ hội sôi động của đám học trò...

Có lẽ vì thế mà Thiên An đã có nguồn cảm hứng, để nữ thi sĩ học trò Hồ Huê viết lên những vần thơ dễ thương nhất của một thời áo trắng.Không hiểu sao trời hôm ấy mênh mông
Cánh én vẫy tôi ngỡ chừng vô định
Gió luồn qua gốc cây vẳng tiếng chuông thành kính
Tiếng chuông và gió trốn tìm nhau

..........

Chiều Thiên An rất mơ dù rất thực
Ðể đêm về tôi gọi mớ Thiên An.

Đồi Thiên An, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

Đọc thêm...
 
Điện Hòn Chén

Ðối diện với đồi Vọng Cảnh, Ðiện Hòn Chén cheo leo bên triền núi Ngọc trản, nhìn thăm thẳm xuống vực sông. Ngọc Trản là hình chén ngọc úp xuống, nôm na gọi là Hòn Chén

Ðiện có từ lâu đời, thờ vị nữ thần Thiên Y - A - Na thuộc tín ngưỡng của người Champa. Trước đó kiến trúc thế nào không rõ, song vào năm 1832 vua Minh Mạng mới bắt đầu ra lệnh sửa sang, và mở rộng điện thờ nữ thần Thiên Y - A - Na, hàng năm đều có tế lễ. Năm 1882, vua Ðồng Khánh lại cho tu sửa điện quy mô hơn và đổi tên là HUỆ NAM ÐIỆN.
Hiện nay điện Hòn Chén đã và đang được tiếp tục tu sửa, trong điện còn bảo lưu một số cổ vật thờ cúng có giá trị. Ðến Huế, du khách đi thăm điện Hòn Chén bằng thuyền trên Sông Hương thì thật là tuyệt vời.

Đọc thêm...
 
Bãi Biển Thuận An

Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Bãi biển chỉ cách thành phố Huế 15 km và du khách có thể đi đến đó bằng ô tô. Chuyến đi bằng ô tô vừa nhanh và thú vị với một bên là cảnh dòng sông còn bên kia là quang cảnh nhà cửa, am miếu, đền chùa và những cánh đồng lúa.

Thuận An là nơi thu hút rất đông người dân xứ Huế về hóng mát và tắm biển vào dịp hè. Thời kỳ tấp nập nhất ở đây thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 lúc tiết trời nóng bức nhất. Ngoài ra du khách có thể đến tham quan miếu Thái Dương ở gần đó với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết sức sùng bái, hoặc thăm miếu Âm Linh thờ thần cá voi, con vật linh thiêng của dân miền biển.


Về cửa Thuận An, ngoài cái thú tắm bể, các bạn còn có thể ôn lại những trang sử cũ, vì trước đây Thuận An chính là cái chìa khóa để mở cửa đi vào kinh kỳ. Người Pháp đã từng dùng từ hai chữ "Thành phố" để gọi cửa Thuận An.

Festival Hue
Đọc thêm...
 
<< Bắt đầu < Lùi 1 2 3 4 5 6 7 8 Tiếp theo > Cuối >>

Trang 7 trong tổng số 8