HOTLINE: 090.547.7979 - 054.389.8868

Home Danh lam thắng cảnh
[Nhà Vươn] Ngọc Sơn công chúa

Ngọc Sơn Công chúa là con gái của vua Ðồng Khánh. Khi công chúa hạ giá, vua Ðồng Khánh cấp cho một khu đất rộng 2.370m2 để lập phủ, khuôn viên vườn có bình phong, non bộ, hồ sen. Nhà vườn Ngọc Sơn Công chúa được xây dựng tương đối sớm và được các thế hệ con cháu bảo quản hầu như còn nguyên vẹn.

Toàn bộ mặt bằng khuôn viên được quy hoạch một cách bài bản, theo nguyên tắc phong thủy của người phương Ðông, có các yếu tố: tiền án (bình phong), minh đường (hồ nước), thế rồng chầu hổ phục,...
Đọc thêm...
 
[Nhà Vươn] Tịnh Gia Viên

Chủ nhân ban đầu của khu vườn 850m2 này là một công chúa, cách bây giờ là bốn đời. Sau đó vườn được sang lại cho một vị bộ Công dưới triều Nguyễn. Năm 1979 khu vườn lại về với ông Nguyễn Hữu Vấn, một nhạc sĩ, cháu ruột gọi giáo sư Nguyễn Hữu Ba, chủ nhân Tỳ Bà Trang bằng chú. Cũng là cung cách nghệ sĩ như ông chú, nhưng Nguyễn Hữu Vấn lại có niềm đam mê hoa lá cây kiểng hơn nhiều.

Đọc thêm...
 
Tỳ Bà Trang

Nhắc đến Tỳ Bà Trang, người dân xứ Huế, người dân thành phố Hồ Chí Minh thường nhắc đến ông Nguyễn Hữu Ba và ngược lại khi nói đến ông Nguyễn Hữu Ba người ta lại kể về Tỳ Bà Trang. Ông sinh thành trên quê hương Triệu Phong (Quảng Trị). Lớn lên ông vào Huế học và thành tài. Ông xây dựng Tỳ Bà Trang vào năm 1949.

Từ khi Tỳ Bà Trang ra đời đến nay là khoảng thời gian chứng kiến sự thành đạt liên tiếp trong cuộc đời của Giáo sư Nguyễn Hữu Ba - Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế - Ðại diện Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Pháp - Giám đốc Trường Quốc gai Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn - Ủy viên Ủy ban UNESCO,...

Tỳ Bà Trang có diện tích 1000m2, ra đời tuy muộn so với các khu nhà vườn khác, nhưng nét nổi bật đặc biệt là Tỳ Bà Trang được coi như một Bảo tàng nhạc học truyền thống Huế nói riêng và ba miền Trung - Nam - Bắc nói chung.

Khi đặt viên gạch đầu tiên để hình thành Tỳ Bà Trang, chủ nhân chưa đặt yếu tố vườn lên hàng đầu mà tâm niệm nguyện ước phục hưng nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, một loại hình văn hóa phi vật thể mà cha ông ta đã sáng tạo, vun đắp.

Tuy nhiên, chủ nhân, một nghệ sỹ thực tài, sống chết với âm nhạc, nhưng tâm hồn ông bao giờ cũng tồn tại trong tâm thức những yếu tố liên đới thành một mạch dài: thi, ca, nhạc, rượu, trăng, non bộ, cây kiểng. Vì lẽ đó ngoài xem bảo tàng âm nhạc, du khách thưởng ngoạn thêm một nghệ thuật kiến trúc kiểu vườn Huế, một kiểu kiến trúc hài hòa giữa hai yếu tố vườn truyền thống kết hợp với vương hiện đại. Và Tỳ Bà Trang - một địa chỉ văn hóa không thể thiếu được trong chuyến du lịch đến Huế của bạn.
Tỳ Bà Trang, số 51 đường Ông Ích Khiêm. Điện thoại: 84.54.3524254
Đọc thêm...
 
Vườn Ý Thảo

Chủ nhân Vườn Ý Thảo là những công chức trong ngành văn hoá Thừa Thiên Huế, diện tích vườn nhà khoảng 1300m2 và ra đời từ 5 thập niên trước đây. Chính giữa nhà từ cổng vào là một Giả Sơn xếp từ những tảng đá tạo thành bình phong. Hai bên là hai cụm Giả Sơn bố trí theo thế Thanh Long -Bạch Hổ biến tấu.


Cụm đá Thanh Long gắn với hồ nước, cụm đá Bạch Hổ gắn với khối cây nhỏ tượng trưng cho vạn Tùng Mai. 5 cụm Giả Sơn rãi rác trên thảm cỏ trong vườn tượng trưng cho Ngũ nhạc - năm ngọn núi danh tiếng của Phương Ðông. Toàn bộ cây trong vườn là bộ sưu tập công phu, chăm sóc di dưỡng cần mẫn của chủ nhân. Có lẽ cái quí hiếm nhất nhà Vườn Ý Thảo là 2 bộ sưu tập đặc trưng mỹ thuật của Huế:

- Bộ sưu tập trên 200 món đồ sứ men lam Huế qua các thời đại Lê - Trịnh, thời đại chúa Nguyễn ngót trên 300 năm qua. Hấp dẫn Quý khách có lẽ bởi dáng dấp của các đồ vật, bởi niên hiệu xa xưa được ghi bằng chữ Nôm (chữ cổ Việt Nam) và chữ Hán....
- Bộ sưu tập tranh gương Huế gồm tranh gương Xà Cừ, tranh chân dưng bà chúa, tranh trích tuồng, tranh tứ bình Cầm Kỳ Thi Hoạ, Bát Tiên...

Là những cổ vật quý hiếm. Giá trị bây giờ gấp ngàn lần giá trị thực xưa kia.
Ðến với Ý Thảo chắc chắn Quý khách không muốn quay gót nhanh chóng như những nơi khác, nếu Quý khách là nhà nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật thì vài ba lần lui tới Ý Thảo chưa phải là lần cuối cùng.

Đặc biệt, từ Festival Huế 2000 đến nay, vườn Ý Thảo còn là nơi đón khách đến tham quan, tổ chức những bữa ăn gia đình, những bữa tiệc  chay và mặn  mang đậm sắc  thái Huế.

Vườn Ý Thảo,số 3 đường Thạch Hãn. Điện thoại: 84.54.523018
Đọc thêm...
 
Hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm là một trong những cảnh nổi tiếng nhất của đất Kinh thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, Thành phố Huế. Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.

Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m (354 trượng 6 thước). Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ. Đảo Bồng Lai, ở phía nam hồ, chính giữa có điện Bồng Doanh, 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói Hoàng lưu li. Điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước lại có cửa Bồng Doanh, rồi cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ và một chiếc cầu cùng tên.


 

Trên đảo Phương Trượng, chính giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu li. Phía nam có cửa Bích tảo và cầu Bích tảo. Phía bắc đảo có lầu Tịnh tâm, xây mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (từ năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.

Giữa hồ Tịnh tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam, đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác, là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu.

Trên các góc của đảo Bồng Lai, Phương Trượng đều có xếp đá tạo các giả sơn. Riêng đảo Doanh Châu được tạo dáng như một hòn non bộ lớn nổi trên mặt hồ. Khắp nơi chung quanh đảo Bồng lai, Phương Trượng, đê Kim Oanh và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ. Dưới hồ chỉ trồng duy nhất loại sen trắng.

Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch xây khá cao. Ở bốn mặt trổ bốn cửa: Hạ Huân ở phía nam, Đông Hy ở phía bắc, Xuân Quang ở phía đông và Thu Nguyệt ở phía tây...

Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Nổi bật hơn cả vẫn là bài Tịnh Hồ Hạ Hứng, nằm trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh của vua Thiệu Trị. Đương thời, bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.

Từ cuối thế kỷ XIX, do thiếu điều kiện chăm sóc, các kiến trúc ở khu vực hồ Tịnh Tâm bị hư hỏng dần hoặc bị triệt giải. Năm 1946, vòng tường gạch bao quanh hồ bị phá để xây dựng một vòng tường thấp hơn. Năm 1960, trên nền điện Bồng Doanh cũ có dựng một ngôi đình bát giác nhỏ để kỷ niệm. Trong lầu tu bổ này một cây cầu bê tông đã được xây dựng để nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh...

Ngày nay, hồ Tịnh Tâm vẫn ở trong trạng thái phế tích. Tuy nhiên dự án phục hồi khu vườn Thượng Uyển có thắng cảnh thần tiên này đang được bộ Văn hóa - Thông tin và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm.

Đọc thêm...
 
<< Bắt đầu < Lùi 1 2 3 4 5 Tiếp theo > Cuối >>

Trang 3 trong tổng số 5