HOTLINE: 090.547.7979 - 054.389.8868

Home Danh lam thắng cảnh
Đồi Thiên An Và Hồ Thủy Tiên

Có một địa danh mà khi nhắc đến thì có nhiều người đã có thời thanh xuân ở Huế đều dấy lên trong lòng những kỷ niệm khó quên. Ðó là Thiên An - một vùng đồi hoang vắng với những bước chân dài mấy mươi năm để đi vào thơ ca, với những chiếc lá thông rơi vương kín áo tình nhân; Với những giọt nước thủy chung ở Hồ Thủy Tiên huyền thoại; Với những mối tình xanh dưới bóng thông già.

Thiên An là một vùng đồi núi nhấp nhô nằm ở phía Nam thành phố Huế, trên tuyến đường đi thăm lăng Khải Ðịnh, qua khỏi ngã ba Cầu Lim chừng 2km. Thiên An hiện ra trước mặt bạn một màu xanh của ngàn thông với lô nhô triền đồi, mái lá và con đường dốc ngoằn ngèo chạy vào ký ức.


 

Quần sơn này gồm 140 ngọn đồi gối đầu lên nhau trong một khu vực rộng khoảng 60ha. Ðường bình đồ, xê dịch từ 60m-125m, điểm cao nhất chính là ngọn đồi có đan viên Thiên An tọa lạc. Chính các đan sĩ người Pháp thuộc dòng tu khổ hạnh Bénedictine đã khai phá và đặt tên cho Thiên An. Ngày 25-1-1935 tu viện Pierre de Vire ở Pháp phái cha Wandrelle đến Việt Nam để xem xét một việc thành lập đan Viện. Cha đã chọn khu Bất động sản Vielle ở Ðà Lạt để xây dựng đan viện vào tháng 10 năm đó. Sau đó Ðức cha tu viện trưởng Fulbert Gloreces ở Pháp đã cử cha Romain Guillaume đến cai quản Ðan Viện ở Ðà Lạt, chính cha Romain là người sáng lập ra đan viện Thiên An vào 3-1940- trong quá trình mở rộng ảnh hưởng dòng Bénédictine lên phía Bắc Việt Nam. Ngày 6-10-1940 Lễ khánh thành Ðan Viện Thiên An bằng một lễ MiSa được cha Romain tổ chức và ông đã chọn Thánh tâm chúa Jêsu như là vị bảo hộ của đan viện . Dòng tu được xây dựng và đặt trên Thiên An.

Song song với việc kiến tạo đan viện, các đan sĩ sư huynh và những người giúp việc đã xúc tiến việc trồng thông, đào hồ, lập vườn, biến vùng rừng núi khô cằn này thành một vùng rừng núi trù phú. Trước 1968 lúc đông nhất tu viện có đến 80 tu sĩ, 250 đệ tử và 60 người giúp việc. Ðan viện lập được ba vườn cam ở ba thung lũng hẹp bao quanh hồ Thủy Tiên.

Những vườn cam này được mua giống từ Angerie về, lại được chăm sóc tốt nên trái lớn và rất sai.Ngày trước trên những sọt hoa trái ở chợ Ðông Ba, có những quả cam có đóng dấu T.A chính là giống cam quý từ Ðan viện Thiên An. Hai hồ nước trong Ðan Viện được các cha Romain và Cadet Phạm Quang Ðiện cho đào vào năm 1940 -1960 đã cung cấp nước cho toàn khu vực và trở thành thắng cảnh đặc biệt là hồ Thủy Tiên và huyền thoại về những giọt nước thủy chung.

Ðến thăm Thiên An bạn sẽ bắt gặp những địa danh một thời nằm sâu trong ký ức giới trẻ Huế. Ðó là đồi Ðức Mẹ rợp bóng thông già mà mỗi góc cây vẫn còn in hằn dấu "Yêu" của những đôi tình nhân xứ Huế. Ðó là dốc "Mạ ơi" quanh co khúc khuỷa. Ðó là hình ảnh đôi chân lạc lối vườn cam tìm đến lăng Ba Vành nơi mà lịch sử vẫn tàng ẩn một nghi vấn. Phải chăng đó là lăng mộ vua Quang Trung Bạn sẽ bắt gặp từng đôi trai gái khóac nhau đi dưới gốc thông già để nhặt đi tìm quả rụng như nhặt tìm kỷ niệm của thời yêu nhau. Bạn sẽ nghe chuông nhà thờ văng vẳng gọi lòng người hướng thiện tâm về với chúa dẫu cánh cửa dòng tu vẫn khép kín và bên bờ hồ Thủy Tiên xanh ngắt là những vũ hội sôi động của đám học trò...

Có lẽ vì thế mà Thiên An đã có nguồn cảm hứng, để nữ thi sĩ học trò Hồ Huê viết lên những vần thơ dễ thương nhất của một thời áo trắng.Không hiểu sao trời hôm ấy mênh mông
Cánh én vẫy tôi ngỡ chừng vô định
Gió luồn qua gốc cây vẳng tiếng chuông thành kính
Tiếng chuông và gió trốn tìm nhau

..........

Chiều Thiên An rất mơ dù rất thực
Ðể đêm về tôi gọi mớ Thiên An.

Đồi Thiên An, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

Đọc thêm...
 
Điện Hòn Chén

Ðối diện với đồi Vọng Cảnh, Ðiện Hòn Chén cheo leo bên triền núi Ngọc trản, nhìn thăm thẳm xuống vực sông. Ngọc Trản là hình chén ngọc úp xuống, nôm na gọi là Hòn Chén

Ðiện có từ lâu đời, thờ vị nữ thần Thiên Y - A - Na thuộc tín ngưỡng của người Champa. Trước đó kiến trúc thế nào không rõ, song vào năm 1832 vua Minh Mạng mới bắt đầu ra lệnh sửa sang, và mở rộng điện thờ nữ thần Thiên Y - A - Na, hàng năm đều có tế lễ. Năm 1882, vua Ðồng Khánh lại cho tu sửa điện quy mô hơn và đổi tên là HUỆ NAM ÐIỆN.
Hiện nay điện Hòn Chén đã và đang được tiếp tục tu sửa, trong điện còn bảo lưu một số cổ vật thờ cúng có giá trị. Ðến Huế, du khách đi thăm điện Hòn Chén bằng thuyền trên Sông Hương thì thật là tuyệt vời.

Đọc thêm...
 
Bãi Biển Thuận An

Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Bãi biển chỉ cách thành phố Huế 15 km và du khách có thể đi đến đó bằng ô tô. Chuyến đi bằng ô tô vừa nhanh và thú vị với một bên là cảnh dòng sông còn bên kia là quang cảnh nhà cửa, am miếu, đền chùa và những cánh đồng lúa.

Thuận An là nơi thu hút rất đông người dân xứ Huế về hóng mát và tắm biển vào dịp hè. Thời kỳ tấp nập nhất ở đây thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 lúc tiết trời nóng bức nhất. Ngoài ra du khách có thể đến tham quan miếu Thái Dương ở gần đó với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết sức sùng bái, hoặc thăm miếu Âm Linh thờ thần cá voi, con vật linh thiêng của dân miền biển.


Về cửa Thuận An, ngoài cái thú tắm bể, các bạn còn có thể ôn lại những trang sử cũ, vì trước đây Thuận An chính là cái chìa khóa để mở cửa đi vào kinh kỳ. Người Pháp đã từng dùng từ hai chữ "Thành phố" để gọi cửa Thuận An.

Festival Hue
Đọc thêm...
 
Núi Túy Vân

Cách thành phố Huế chừng 50km về phía nam, Túy Vân - Núi Rùa (xã Vinh Hiền, Phú Lộc) có cái tinh khiết, trong trẻo gần như tuyệt đối của một vùng trời, nước và đảo hoang sơ, ít dấu chân người.

Du khách đến tham quan núi Túy Vân thường đi theo hai đường: từ thành phố Huế về Thuận An, rồi đi theo đường ven biển để đến núi; hoặc từ Huế qua quốc lộ 1A về Đá Bạc, từ đây đi đò máy qua đầm Cầu Hai thì đến nơi, đường dài khoảng 30km

Túy Vân là một ngọn núi nhỏ gần cửa Tư Hiền, nổi lên giữa một hòn đảo xanh, hùng vĩ, ngày xưa có tên gọi là Mỹ Am Sơn. Núi có dáng dấp đẹp, trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đi qua đây, thấy phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bèn lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho dân địa phương.


 

Đến đời vua Minh Mạng cho xây dựng lại và đổi tên là chùa Tuý Ba. Năm vua Minh Mạng thứ 17 (1837), chùa được tùng tu và xây dựng thêm lầu. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa được tiếp tục trùng tu và đổi tên chùa Tuý Vân.

Vua Thiệu Trị liệt Tuý Vân vào thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ "Vân Sơn thắng tích" và cho khắc bia đá dựng bên chùa đặt tên "Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia chi thắng cảnh" (Linh Thái, Tuý Vân đều là thắng cảnh của quốc gia). Qua bao năm tháng chiến tranh, chùa, lầu gác hư hại nhiều, hiện nay công tác bảo tồn vẫn đang được thực hiệnTrên đỉnh Túy Vân, nổi lên có ngọn tháp ba tầng là Điều Ngự. Đứng ở tầng 2 và 3, có thể nhìn thấy hết toàn cảnh của huyện Phú Lộc. Giữa lưng chừng núi là chùa chính, dưới chân núi còn có ngôi Chùa Lớn làm chỗ ở cho chư tăng, trước và sau chùa có nhiều cây lá sum suê. Đặc biệt, trên hàng trăm tầng cấp của chùa có nhiều cây thông cổ thụ sừng sững.

Từ núi Túy Vân nhìn phía đông khoảng 700m có núi Linh Thái, còn gọi là Quy Sơn hay Núi Rùa. Một lần chúa Nguyễn Phúc Tần đến đây, thấy ở đỉnh núi có ngôi tháp Chàm được người dân địa phương cho biết rất linh, bèn cho dời ngôi tháp đi nơi khác rồi lập chùa thờ Phật với tên gọi Vĩnh Hoà.

Từ chân núi Túy Vân sang bãi biển đá dưới chân Núi Rùa chỉ mất chừng 10 phút. Ở đây, các quần thể đá to nhỏ chồng xếp lên nhau tạo ra những hốc động thật kỳ thú. Từng mảng sóng bạc đầu dội vào hốc đá vút lên cao mù mịt liên hồi. Tiếng sóng, gió biển hoà với tiếng reo của lá cây tạo nên một sự cộng hưởng của âm thanh hoang dã.

Trên một dải cát hẹp của bờ biển, các quần thể đá hình như những con rùa là nơi tập trung nhiều loại vỏ hải sản tấp vào bờ, tạo dáng như một hòn non bộ rất bắt mắt. Du khách đến đây sẽ thích thú khi đi dạo quanh núi rừng và ven theo con đường ven biển rợp bóng dương, đọc sách, bơi, ăn đồ biển và ngủ trên cát. Những người thích mạo hiểm hơn thì băng qua những tảng đá và phải "chịu trận" của từng đợt sóng để đứng trên tảng đá cao ngất ngưỡng giữa không gian bao la.

Theo ông Lâm Văn Sơn, phó chủ tịch xã Vinh Hiền: mỗi năm khu du lịch này chỉ thu hút từ 45 đến 50 ngàn lượt khách tham quan và nghỉ dưỡng. Sở dĩ số lượng khách đến ít xuất phát từ việc triển khai dự án trùng tu di tích quốc gia chùa Thánh Duyên (Tuý Vân) và tháp Điều Ngự còn diễn ra chậm.

4 năm kể từ ngày UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt kinh phí 1,48 tỷ đồng dùng vào việc đầu tư và tôn tạo đối với 17 hạng mục, công trình tại đây, nhưng đến nay, mọi việc mới chỉ thực hiện. Hy vọng sau khi dự án khu du lịch sinh thái: Đông Dương-Hàm Rồng- núi Linh Thái hoàn thành, (tổng vốn đầu tư trên 14 tỷ đồng), đây sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách.

Đọc thêm...
 
Bãi Biển Lăng Cô

Lăng Cô là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam với bãi cát trắng dài tới hơn 10 km, làn nước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp. Bên cạnh đó là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn (800 ha) đầy huyền bí.

Địa danh "Lăng Cô" có người cho rằng là do người Pháp đọc trại tên "An Cư", vốn là làng chài ở phía nam đầm. Cũng có người cho rằng lúc trước ở Lăng Cô có nhiều đàn cò, nên được gọi là Làng Cò, sau đó được dân địa phương đọc trại lại là Lăng Cô.


 

Lăng Cô có vị trí địa lý nằm giữa 3 trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới là: Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An và Khu Thánh địa Mỹ Sơn với bán kính là 70 km. Lăng Cô có thể thu hút khách tham quan, nghiên cứu tại các trung tâm trên và giải tỏa áp lực những thời điểm đông khách.

Lăng Cô nằm trên tuyến du lịch Bắc-Nam cách thành phố Đà Nẵng 30 km và thành phố Huế 70 km, có thể hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch đa dạng cho 2 trung tâm du lịch quốc gia trên và tăng ngày nghỉ của khách dừng chân tại Lăng Cô, như các du khách thường nói: “Lên non gặp Người Hùng Bạch Mã, xuống biển gặp Người Đẹp Lăng Cô”.

Lăng Cô được định hướng phát triển gắn kết lâu dài với cảng nước sâu, khu công nghiệp và thương mại quốc tế Chân Mây, đô thị Chân Mây, bảo đảm cân bằng toàn diện các chức năng nghỉ ngơi, sinh sống và làm việc của một đô thị lớn.

Lăng Cô là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch phong phú: bờ biển, bãi cát mịn, đầm hồ, sông suối, núi đồi, bên đèo Hải Vân, gần rừng nguyên sinh Bạch Mã và các di tích lịch sử.v.v. sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng nhất thỏa mãn các loại hình du lịch.

Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới.Ngày 6 tháng 6 năm 2009, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đón nhận danh hiệu “Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới” do Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) bình chọn.

Theo wikipedia.org
Đọc thêm...
 
<< Bắt đầu < Lùi 1 2 3 4 5 Tiếp theo > Cuối >>

Trang 4 trong tổng số 5