HOTLINE: 090.547.7979 - 054.389.8868

Home Danh lam thắng cảnh
Núi Bạch Mã

Núi Bạch Mã thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách Tp. Huế 60km về phía nam. Ở độ cao cách mực nước biển 1.450m, Bạch Mã có khí hậu như Sapa, Tam Đảo hay Đà Lạt, là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam. Ở đây thực vật phong phú, tươi tốt quanh năm, động vật cũng đa dạng và có vô số các loài chim.

Trên đỉnh núi hùng vỹ 4 mùa xanh tươi với thác nước, suối rừng, là cả một vùng khí hậu ôn đới như ở SaPa, Tam Ðảo, Ðà Lạt ... Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới, vì vậy đã được chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quy hoạch thành khu rừng cấm quốc gia.Trên từng nẻo đường của khu nghỉ mát rộng 369ha, đặc biệt là tại Công viên rừng, hoa lay ơn, hoa lan đất nở suốt bốn mùa làm bịn rịn mỗi bước chân du khách qua đường.


 

Núi Bạch Mã nổi tiếng về những con suối và ngọn thác ngoạn mục. Từ cây số 16 của tuyến đường Cầu Hai - Bạch Mã, sẽ có một con đường nhỏ dẫn du khách đi bộ khoảng 30 phút để đến ngọn thác Đỗ Quyên cao 400m, rộng 20m hiện ra bất ngờ như treo giữa trời. Những ngày hè, hai bên bờ thác, hoa Đỗ Quyên đỏ rực nở rộ như hai thảm lụa hoa khổng lồ. Ở trung tâm khu nghỉ mát có ngọn thác Bạc cao 10m, rộng 40m như một bức rèm trắng muốt đung đưa trước gió.

Đứng trên đỉnh núi Bạch Mã có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của Đèo Hải Vân, Núi Túy Vân, Đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.

Đọc thêm...
 
Đồi Vọng Cảnh

Ðồi ở cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km. Ðồi Vọng Cảnh không đẹp bằng Núi Ngự Bình, nhưng đúng như tên gọi của nó vì đứng ở trên đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy được phong cảnh nên thơ của thành phố Huế đặc biệt là khu Lăng tẩm của các vua Nguyễn.

Đồi Vọng Cảnh cách núi Ngự Bình vài km. Đồi đứng soi bóng duyên dáng bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn , cam, quýt, thanh trà,...chen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc....Sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh dưới chân đồi...


Du khách có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên hoạ của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.

 

Đọc thêm...
 
Núi Ngự

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương và núi Ngự.

Huế nổi tiếng không chỉ vì là nơi tập trung những đền đài lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, nơi có những ngôi chùa, nhà thờ, đền đài nổi danh, nơi có những con người với danh xưng “người Huế trầm mặc”, mà Huế còn nổi tiếng vì có một thiên nhiên tươi đẹp. Đến Huế, cái cảm giác đầu tiên mà ta bắt gặp chính là đang bước vào một nơi tĩnh lặng, hiền hoà. Trước mắt du khách không phải đối diện với những ngọn núi cao hùng vĩ, chót vót, cũng không phải đối diện với những con sông dài rộng mênh mông sóng cuộn tung bờ mà là một cảnh quan rất thấp, rất nhẹ, rất êm, rất xinh và ngay cả du khách cũng sẽ tiếp xúc với một giọng nói cũng rất “ngang”. Tất cả đó là cảnh quan Huế mà nổi bật lên trên chính là sông Hương và núi Ngự. Con sông và ngọn núi biểu tượng của Huế. Đúng thế, như nhà thơ Bùi Giáng trả lời cho một ai đó hỏi về cảm tưởng của ông về Huế, ông chỉ cười và đáp:


 

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”

Câu thơ lục bát rất đơn sơ, rất ca dao nhưng cũng “rất Huế”. Đừng ai hỏi Huế là gì? Huế là thế nào? Xin thưa “Huế là Huế” là “Hương Bình”.

Kinh qua bao nhiêu đổi thay, qua “bao lớp sống phế hưng”, Huế vẫn tồn tại với sông Hương và núi Ngự, với bao nhiêu nét đẹp đã đi vào thơ ca, đi vào lòng người.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì núi Ngự Bình có tên gọi là Bằng Sơn hay Bình Sơn, một ngọn núi không cao hình dáng giống cái bình phong, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Từ khi dời phủ về làng Phú Xuân và xây dựng chính dinh ở đây, chúa Nguyễn Phúc Thái tục gọi là chúa Ngãi, lấy Bằng Sơn làm tiền án ở mặt chính nam nên đổi tên là Ngự Bình Sơn. Từ đó về sau Ngự Bình Sơn là một trong những ngọn núi rất quan trọng trong việc xây dựng kinh thành Huế của các vua nhà Nguyễn. Ngay từ thời Nguyễn Huệ còn làm Bắc Bình Vương, khi nghe quân Thanh kéo 20 vạn quân sang xâm lấn nước ta, Nguyễn Huệ đã lập đàn tế cáo trời đất trên ngọn Hữu Bật Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Xem thế thì Ngự Bình là một ngọn núi rất quan trọng.

Ngày xưa từ chân núi lên đến đỉnh núi các vua chúa cho trồng thông, quanh năm xanh tốt. “Thông reo núi Ngự” chính là vì thế. Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù - Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho đế thành. Đây ngày xưa cũng là nơi dập dìu tới lui của các cặp tài tử giai nhân vào những tiết tốt như thanh minh, nguyên tiêu, trùng cửu. Đứng trên đỉnh Ngự, lắng nghe tiếng thông reo có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn hiện những lâu đài thành quách, mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của cây cối và sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co.

Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn..., xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía đông, là những dải cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của Biển Đông. Núi không cao, không cheo leo gập ghềnh nhưng núi Ngự mang cái dáng vẻ của một con người trầm tư mặc tưởng, thanh thoát lâng lâng hồn người.

Cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thủy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nó gần gũi với dân Huế, nó trở thành một cái đài, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở vào một thế giới nào đó, thoát tục.

Đông qua, xuân lại, thời gian biến chuyển đổi thay, đã gần hơn nửa thế kỷ nay, cây cối trên núi hầu như không còn. Những năm gần đây, núi Ngự đã được sống lại. Từ xa du khách có thể thấy được các cụm thông trên núi, tuy chưa lớn lắm nhưng cũng đã phủ xanh được ngọn núi này, những ngày lộng gió, đứng dưới chân núi ta lại bắt đầu nghe điệu nhạc thông réo rắt. Và mấy năm trở lại đây, một nét văn hoá cố đô rất đáng hoan nghênh là vào những ngày đẹp trời, vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, trùng cửu, từng đoàn trai thanh gái lịch đã về đây, tiếp bước người xưa lên núi hái lộc, ca xướng ngâm vịnh. Cái sinh khí đã trở lại hứa hẹn cho Huế một tương lai sán lạn.

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương - núi Ngự.

Đọc thêm...
 
Sông Hương

Không cần thiết phải mất thì giờ để nói thêm về vẻ đẹp của dòng sông này. Người ta đã nói khá nhiều, những bậc tài danh, và những người mà bước chân lãng du từng in dấu qua nhiều dòng sông đẹp nổi tiếng thế giới. Không chỉ bằng lời, mà còn bằng văn chương, thi ca, âm nhạc, hội hoa, phim, ảnh v.v…

Nhưng có lẽ, tốt hơn hết là hãy đến tận nơi, đắm mình vào trong nó, hòa vào đời sống chính nó, khám phá, chiêm nghiệm nó, và… tự cảm nhận.

Vẻ đẹp ấy do Trời - Đất sinh ra, như bông lan rừng, như nàng mỹ nữ, như sắc thắm của đóa hoa hồng nở trong sương sớm, khum khum giữ lại trong cánh mỏng của mình những giọt sương nhỏ, long lanh.


 

Kể từ khi Nguyễn Hoàng vào Ái Tử trấn nhậm phương Nam cho đến khi các chúa Nguyễn tìm được sông Hương làm “chỗ dừng chân” nơi làng Kim Long, dòng sông ấy đã mất 78 năm chờ đợi (1556 - 1636). Còn chỉ từ Kim Long về tới làng Phú Xuân, cách nhau chừng năm cây số, mất 51 năm (1636 - 1687). Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước đắm chìm trong triền miên chiến trận. Thêm 118 năm nữa (1687 - 1805) để có được hòa bình, xây dựng kinh đô. Quãng đường Ái Tử - Phú Xuân mất 247 năm. “Đã biết bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu?!”.

Kinh đô Phú Xuân bên bờ sông Hương không lớn, mặc dù triều vua Minh Mạng tiếp nối triều vua Gia long là giai đoạn phồn vinh trong toàn bộ quá trình phát triển của đất nước từ Cổ Loa đến Phú Xuân. Lãnh thổ chưa bao giờ rộng lớn hơn, sản vật chưa bao giờ giàu có hơn, dân cư chưa bao giờ đông đúc hơn. Chiều Bắc - Nam, từ ải Bắc đến mũi Cà Mau, ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Chiều Tây - Đông, từ lũy Trấn Ninh đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, rừng vàng, biển bạc trong khi số dân chỉ hơn năm triệu người. Vậy mà kinh thành nhỏ bé, khiêm nhường, nép cạnh dòng sông, nhún mình xuống, hòa vào trong, hợp thành một. “…Những dòng kênh như thêu ren, chạm khắc…”. Ứng xử ấy là một ứng xử văn hóa, ứng xử của người quân tử trước tạo vật.

Thiên nhiên khắc nghiệt, đất cát khô cằn, chỉ với sản vật từ chính dòng sông, và những mảnh vườn được dòng sông tưới tắm, bằng trí tuệ và tài khéo, cư dân châu thổ sông Hương đã sáng tạo cho mình, cho cộng đồng, và… cho hậu thế những sáng tạo đặc sắc bằng thành tựu của một nền văn hóa ẩm thực dân dã mà cao sang, hàm chứa một kho tàng tri thức Việt, uyên thâm về tự nhiên và xã hội. Cá bống thệ kho rim, bát canh cá dìa ngon ngọt, tô cơm hến nồng nàn, trái vả xanh kho chung với tôm thịt, thậm chí cát, sạn móc từ đáy sông xây dựng kinh thành… là những gì sông Hương rút ruột dâng đời.

Dòng sông ấy thực sự là chiếc nôi ấm, mềm sản sinh những câu hò, điệu lý vang vọng trong không gian và thời gian, để nuôi dưỡng một tình yêu lịch sử và thiên nhiên sâu thẳm, ru vỗ, an ủi con người.

Tưởng nhớ nàng công chúa nhà Trần đã vì nghĩa lớn dấn thân, câu hò trên dòng sông vút cao, lan xa, truyền đi trên sóng nước: “Nước non ngàn dặm ra đi… Mượn màu son phấn, đền nợ Ô - Ly…”. Ngậm ngùi trước thất bại của vị vua yêu nước và các nghĩa sĩ, giọng mái nhì trên dòng sông ai oán: “Chiều chiều… trước bến Văn Lâu/Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai thương, ai cảm, ai đợi, ai trông, thuyền ai thấp thoáng bên sông...?”. Tất cả, tất cả thường hằng, rì rào như tiếng sóng nhẹ vỗ về bờ cỏ, như tiếng chuông chiều man mác, ngân nga truyền lan trên mặt sông, như tiếng gió reo trong ngàn thông đôi bờ, trải thời gian, đã kết tụ, thăng hoa thành Nhã nhạc cung đình, trở thành giá trị văn hóa phi vật thể, đóng góp vào đời sống nhân loại.

Những làng nghề đẹp như tranh trải dọc hai bờ như chuỗi ngọc long lanh cung ứng cho đất kinh kỳ những sản phẩm của tài hoa.

Ru em, em “théc” cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai…
…Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương…

Câu hát ru em cứ thế dài ra như một danh mục phong phú hướng dẫn cư dân tìm đúng địa chỉ cần tìm trong đời sống thường nhật.

Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, không son phấn, sông Hương còn đẹp hơn lên nhiều lần trong nhịp sống cần lao. Chính tâm thế văn hóa và giá trị cần lao đầy ý thức đã làm cho sông Hương trở thành một vẻ đẹp tự thân, kín đáo, đằm thắm mà thẳm sâu, không dễ gì nhận biết.

Vẻ đẹp ấy được bắt nguồn từ gốc rễ sâu xa nơi Như Nguyệt hà: “Như hà nghịch Lỗ lai xâm phạm…”, trong tiếng trống trận Vạn Kiếp, Bạch Đằng, mà cũng tiếp nối mạch nguồn “Cư trần - Lạc Đạo” từ ngàn thông trên núi thiêng Yên Tử. Đời sống mà dòng sông ấy kế thừa, kết tinh và phát triển nằm trong quỹ đạo mạch lạc của văn hóa Việt Nam, để thăng hoa thành một sắc thái văn hóa mới, sắc thái Phú Xuân, đóng góp vào văn hóa Việt. Ẩn sâu trong sắc thái ấy, trong con sóng tưởng như hiền hòa của dòng sông ấy, thi hào họ Cao đã nhìn ra ánh kiếm lạnh sắc chĩa thẳng lên trời xanh: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”.

Sông Hương như một kiều nữ, tài sắc vẹn toàn. Nhan sắc là của trời cho, còn tài năng, hay một cách nói khác, gia tài văn hóa là kết quả của cả một quá trình cần lao, nhiều đời tạo dựng.

Sông Hương là một đóa hồng trong thiên nhiên lộng lẫy, tỏa hương quyến rũ. Những giá trị nhân văn, những kiến trúc - đô thị đôi bờ là những giọt sương long lanh. Mà theo lẽ thường, bông hồng càng mong manh càng được bảo vệ bằng những chiếc gai nhọn sắc.

Đọc thêm...
 
<< Bắt đầu < Lùi 1 2 3 4 5 Tiếp theo > Cuối >>

Trang 5 trong tổng số 5